Lịch sử xây dựng Cầu Thăng Long

Thiết kế

Từ năm 1974-1977 do chuyên gia Trung Quốc thực hiện và từ năm 1979-1985 cầu được hoàn thành với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô.

Về thiết kế cầu, có ý kiến nói là khi Trung Quốc thiết kế giống với cầu Trường Giang (Vũ Hán, Trung Quốc), nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.

Cầu Vũ Hán của Trung Quốc có dầm thép liên kết hình hoa thị (*). Cầu Thăng Long dầm thép liên kết hình tam giác.

Theo thiết kế lúc đầu của phía Trung Quốc, dầm thép của cầu được liên kết với nhau bằng đinh tán ri-vê (thi công sẽ vô cùng vất vả và chất lượng liên kết dầm khó đảm bảo được cao); mặt đường ô tô cầu chính có kết cấu bằng các tấm bê tông cốt thép dày trên 14 cm. Việc này làm cho khoảng cách giữa tầng dưới và tâng trên của cầu rất lớn (trên 16m), đòi hỏi việc đắp đất hai bên mố đầu cầu rất cao, ảnh hưởng đến tuyến đê xung yếu của Hà Nội. Nhìn cầu hơi nặng nề, kém thanh thoát.

Theo thiết kế của Liên Xô sau này, cầu chính bằng kết cấu thép có dạng các thanh dầm liên kết hình học tam giác. Dầm thép được liên kết bằng bu lông cường độ cao (thi công đỡ vất vả hơn, chất lượng liên kết các thanh dầm thép cao hơn). Mặt cầu ô tô trên cầu chính được cấu tạo từ các bản trực hướng bằng thép hợp kim (giống như thép của các thanh dầm). Việc này làm giảm chiều cao giữa hai tầng cầu (xuống còn 14,1m), nhìn cầu thanh thoát hơn.

Cầu Thăng Long năm 1985

Xây dựng

Cầu được khởi công xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9 tháng 5 năm 1985. Đây là cây cầu duy nhất của Hà Nội có thời gian thi công lâu nhất (11 năm, ban đầu do Trung Quốc giúp xây dựng, tuy nhiên đến năm 1978, Trung Quốc đã cắt viện trợ và rút hết các chuyên gia về nước khiến cho công trình bị bỏ dở và sau đó Liên Xô tiếp quản, viện trợ, khôi phục lại thi công từ tháng 6/1979 và cơ bản kết thúc vào năm 1985).

Trong thời gian Trung Quốc viện trợ (1974-1978): mới có 9 trụ chính giữa sông được thi công xong, 03 trụ đang thi công dở dang trong tổng số 14 trụ chính giữa sông và 2 mố, Đối với cầu dẫn đường sắt, mới thi công được 29 trụ ở phía bắc, 17 trụ ở phía nam so với 119 trụ của toàn bộ cầu dẫn đường sắt. Cầu chính hoàn toàn chưa có gì, cầu đường ô tô cũng chưa được thi công.

Giai đoạn Liên Xô viện trợ (1979-1985) cầu được xây dựng hoàn thành. Liên Xô nhận cung cấp viện trợ để xây dựng hoàn thành cầu Thăng Long dựa trên cơ sở Hiệp định liên chính phủ Việt Nam - Liên Xô ký ngày 03/11/1978. Đây là công trình viện trợ không hoàn lại. Theo hiệp định, phía Liên Xô cung cấp cho Việt Nam các vật liệu xây dựng như: sắt thép, xi măng mác cao, dầm thép, máy móc thiết bị thi công, cử chuyên gia sang làm việc...

Việc giúp đỡ xây dựng cầu Thăng Long phía Liên Xô giao cho Bộ Xây dựng các công trình giao thông Liên Xô (Mintransstroe), đầu mối trực tiếp thực hiện các đơn đặt hàng là Tổng Công ty xuất khẩu kỹ thuật giao thông (ZarubezTechnoTrans).Thiết kế do Viện Quốc gia thiết kế giao thông cầu Liên Xô (Giprotransmost) thực hiện. Việc sản xuất các kết cấu thép cho cầu chính do Nhà máy sản xuất cấu kiện cầu Voronhez đảm nhận. Các chuyên gia được cử sang Việt Nam chủ yếu là người của Liên hiệp Xí nghiệp xây dựng cầu số 5 (Trụ sở đặt tại thành phố Riga, Cộng hoà Latvia). Nhóm chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến cầu Thăng Long ngày 08/6/1979 gồm 05 người. Trong suốt quá trình xây dựng có sự tham gia của phía Liên Xô từ tháng 6/1979 đến tháng 5/1985 có tổng số 167 lượt chuyên gia sang làm việc, thời điểm cao nhất là năm 1983 khi công trường thi công dồn dập, trải dài, rộng nhiều km với mấy ngàn lao động Việt Nam thì số chuyên gia có mặt đông nhất cũng chỉ có 96 người.

Tất cả các công việc, kể cả các hạng mục phức tạp, đòi hỏi tay nghề và công nghệ cao khi đó (như hàn tự động các bản trực hướng, thi công kết dính và tạo nhám liên kết của mặt cầu thép đường ô tô...) đều do công nhân Việt Nam thực hiện, các chuyên gia Liên Xô chủ yếu hướng dẫn, giám sát.

Trong quá trình xây dựng phía Liên Xô cung cấp cho công trình cầu 49 ngàn tấn sắt thép các loại, 26 ngàn tấn dầm cầu thép, gần 60 ngàn tấn xi măng mác cao và nhiều trăm tấn máy móc, thiết bị thi công như cần cẩu lắp ráp tải trọng lớn, hệ thống hàn tự động để hàn liên kết dầm thép, máy xúc, máy ủi, xe lu, canô, thiết bị thí nghiệm, kiểm định...

Cần ghi nhận là trong quá trình xây dựng cầu Thăng Long ở giai đoạn 1979 - 1985 do được quản lý khá tốt, trên công trường không xẩy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng nào gây chết nhiều người trong một vụ. Không có chuyên gia Liên Xô nào bị tai nạn lao động. (Đây là việc rất khác so với giai đoạn 1974-1978).

Lắp hẫng dầm thép cầu chính